Hoa Mai

Tuesday, February 22, 2005

Tản mạn với hoa mai


(VietNamNet) - Người ta từng gọi tên của một quốc gia bằng một loài hoa, dù loài hoa đó không là tài sản riêng của đất nước ấy mà hiện diện ở hầu khắp thế giới. Hoa mai ở Việt Nam thì không như thế, dù cái tầm của mai thì dư sức đạt đến điều đó.




Bungari là đất nước hoa hồng, Hà Lan là xứ sở của hoa tuylip, cũng như hoa anh đào được coi là biểu tượng của xứ Phù Tang. Cũng là hoa, là lá, là cỏ cây như bao loài thảo mộc khác, nhưng những loài hoa ấy mang trên mình sứ mệnh của một đất nước, chuyển tải cái hồn của cả dân tộc. Người Nhật từng tôn sùng hoa anh đào là kuni no hana (quốc hoa) cũng với ý nghĩa ấy. Hoa mai ở Việt Nam thì không như thế, dù cái tầm của mai thì dư sức đạt đến điều đó. Ấy là tôi “nghĩ hộ” cho hoa mai vậy, chứ bản thân hoa mai chắc cũng đã hài lòng với các “tước hiệu”: sứ giả của mùa xuân, loài hoa cao quý, kẻ song hành với các nhà thơ... mà bao thế hệ con Rồng, cháu Tiên dành tặng cho mai.


Cũng như hoa đào ngoài Bắc, hoa mai đến với dân Việt Nam mỗi năm chỉ một lần vào dịp xuân về, nhưng sức sống của mai trong lòng người thì không chỉ giới hạn trong vài ba ngày Tết mà trở nên trường cửu. Người ta ngóng trông mai suốt cả năm ròng nên khi cái Tết qua đi, hầu như không ai muốn rời bỏ hoa mai ngay lập tức mà còn cố vương vấn, níu kéo mai ở lại với họ thêm đôi ba bữa nữa. Tôi cũng vậy.


Có lần, một người bạn ngoài Bắc vô thăm Huế, ghé nhà tôi chơi. Tết đã qua được gần một tháng, song trên bàn làm việc, tôi vẫn còn chưng một cành mai, và hoa thì không còn lấy một nụ. Bạn tôi thắc mắc: “Hoa đã rụng hết sao anh chưa vứt bỏ?”. Tôi cười bảo: “Anh có biết hai câu kết trong bài Cáo tật thị chúng của Mãn Giác thiền sư: ''''Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận. Ðình tiền tạc dạ nhất chi mai'''' không? Vẫn biết là thiền sư có ý dạy rằng “đừng có nghĩ xuân tàn thì hoa rụng hết, bởi đêm qua trước sân vẫn có một nhành mai” để nói về cái vòng chu chuyển tất yếu của thiên nhiên và sinh mệnh. Nhưng sao tôi vẫn nghĩ hơi khác một chút. Ðã tàn xuân mà thiền sư trông thấy mai. Ấy mới là sự lạ. Phải chăng có cành mai nở muộn, hay chỉ là lối ẩn dụ của cách nói “xuân rày tiếp nối xuân kia”. Tôi đồ rằng thiền sư đã nhìn thấy sự trường cửu của mùa xuân nơi một cành mai tàn có thực trước chùa mà nói vậy. Cành mai này hẳn là không có hoa rồi, nhưng sư Mãn Giác đã nhận ra thông điệp của mùa xuân kế tiếp, của thế hệ kế tiếp nơi cành mai ấy mà truyền bảo cho đệ tử. Tôi giữ cành mai tàn trong nhà cũng là mong được nhìn thấy sự trường cửu của mùa xuân trong căn phòng của mình vậy”. Bạn tôi đáp: “Người Huế các anh thi vị cuộc sống quá. Dân Bắc chúng tôi, sau Tết là ném ngay cành đào lên chiếc xe rác chạy ngang trước cửa cho nó rảnh nhà. Hơi đâu mà...”. Anh bỏ lửng câu nói, nhưng tôi đoán anh đang cười thầm suy nghĩ có vẻ lẩn thẩn của tôi.


Mà đâu chỉ một mình tôi có lòng với mai. Thử ngẫm mà xem có loài hoa nào được văn chương nước Việt nhắc đến nhiều như hoa mai. Mai đi vào “thơ thiền” của sư Không Lộ thời Lý, có mặt trong “thơ thần” của Nguyễn Trãi thời Lê. Hình ảnh của hoa mai cũng được thi hào Nguyễn Du mượn để tả về nét đẹp quý phái, đoan trang của chị em Thúy Kiều: “Mai cốt cách, tuyết tinh thần. Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười”. Tản Ðà thì dùng hình ảnh “xương mai một nắm hao gầy” để nói lên nỗi niềm của mình trong lời thề non nước. Ngay như Nguyễn Ðình Chiểu, khi đôi mắt của ông không còn nhìn được sắc vàng rực rỡ của mai, thì hình ảnh về loài hoa xuân ông từng yêu quý vẫn được ông ghi lại trong ký ức và được vẽ ra bằng một nét bút tài hoa: “Hữu tình thay ngọn gió đông. Cành mai nở nhụy, lá tòng reo vang”. Và khi muốn nói về cuộc hội ngộ đầy chất thi vị, tao nhã giữa đôi trai tài gái sắc Vân Tiên - Nguyệt Nga, Nguyễn Ðình Chiểu lại mượn hình ảnh của mai để so sánh: “Mai hòa vận điểu, điểu hòa vận mai”. Rồi Thanh Hải, Chế Lan Viên, Lê Văn Thảo ... những văn, thi sĩ thời đánh Mỹ, giữa những đau thương, khốc liệt của chiến tranh vẫn có những vầng thơ, những áng văn đằm thắm, trữ tình viết về hoa mai. Chừng đó thôi cũng nói lên cái địa vị cao quý của hoa mai trong lòng thi nhân Việt Nam.

Song theo thiển ý, có hai câu thơ, tương truyền là của Chu Thần Cao Bá Quát, xứng đáng là những ngôn từ đẹp nhất, trân trọng nhất mà người ta có thể viết ra để xưng tụng hoa mai:


”Thập tải luân giao cầu cổ kiếm
Nhất sinh đê thủ bái mai hoa”.
(Mười năm chu du tìm gươm cổ
Cả đời chỉ cúi lạy hoa mai).

Hoa mai với riêng tôi cũng đầy ắp những nỗi niềm. Trong bước đường phiêu lãng của mình, tôi có nhiều kỷ niệm với mai. Ðó là những ngày tôi là một sinh viên nghèo, không đủ tiền xuôi Nam ăn Tết cùng gia đình, đành ở lại ký túc xá, kiếm cành mai làm bạn, ngồi uống rượu suông, chờ mùa xuân mang thêm cho mình một tuổi. Ðó là những ngày theo chân bè bạn về quê người ăn Tết, ngắm nhìn vườn mai vàng rực như muốn dát vàng lên đồi cát trắng Phong Thu. Ðó là lúc tôi ngồi ngắm trăng nơi vườn mai nở muộn trong Hoàng Thành Huế, rưng lòng trước cái đẹp mờ ảo của đêm nguyên tiêu, mà ngâm ngợi bài Nguyệt mai - một bài cổ thi có trên chiếc dĩa trà sứ men đồ men lam Huế, tôi đã thuộc nằm lòng từ cái ngày đầu tiên theo nghiệp khảo cứu đồ xưa:


“Mai hoa đắc nguyệt cánh thiêm thần
Nguyệt lý mai hoa sắc dũ chân
Quế điện lung linh hoa lộng ảnh
Hoa chi diêu duệ nguyệt xâm nhân
Mê ly nguyệt để hoa xâm ngọc
Tịch mịch hoa gian nguyệt tuyệt trần
Ngã ái mai hoa kiêm ái nguyệt
Nhất mai nhất nguyệt lưỡng giai xuân”



Cũng vì mai, mà tôi từng liều lĩnh dấn thân vào cuộc bút đàm với các bậc cao minh trong làng cổ ngoạn về gốc gác hai câu thơ: “Nghêu ngao vui thú yên hà. Mai là bạn cũ, hạc là người xưa”. Thơ của ai đây? Của Nguyễn Du như người đời từng gán ghép, hay của Ðịnh Viễn Quận Vương, hoàng tử thứ 6 của vua Gia Long, hoặc của Ðông Các đại học sĩ Ðinh Phiên, người đã phụng mệnh vua Gia Long làm phó sứ cho Cần Chánh đại học sĩ Nguyễn Xuân Tình sang Thanh năm 1819, như một giả thuyết đang gây tranh luận.

Song cái kỷ niệm đáng nhớ nhất là khi tôi đứng dưới chân lâu đài Osaka vào ngày 6/3/1998 trong một rừng mai muôn hồng nghìn tía. Hôm ấy, cô Junko Kusaka, một người bạn Nhật, biết tôi thích mai nên rủ tôi đến chân thành Osaka để ngắm hoa. Tôi hào hứng theo chân cô, những tưởng là sẽ được ngắm một rừng mai vàng rực như ở chốn quê nhà sau một cái Tết vắng bóng mai vàng. Tôi hồi hộp bao nhiêu khi thấy hai chữ Mai lâm (Rừng mai) ở lối vào vườn mai, thì càng thất vọng bấy nhiêu khi trước mắt là một rừng đầy mai đỏ và mai trắng mà không một bóng mai vàng. Hóa ra cái tôi thèm muốn, cái tôi nhớ nhung và cái tôi tản mạn nãy giờ là hoàng mai, là mai vàng xứ Huế chứ không phải một thứ mai nào khác.

Ừ nhỉ! Họ hàng mai vốn có nhiều loại, nhưng ta chỉ nặng lòng với chỉ mình ngươi. Mai vàng ơi!

Trần Đức Anh Sơn